Thành phần chống oxy hóa có mặt trong kem chống nắng đem lại những lợi ích to lớn cho người dùng, mà đáng kể nhất là sự có mặt của các thành phần này giúp tăng khả năng bảo vệ của kem chống nắng. Trong những năm trở lại đây, hầu hết các hãng sản xuất kem chống nắng đã cải tiến công thức, bổ sung các thành phần chống oxy hóa vào sản phẩm để mang tới người dùng những phiên bản chống nắng tốt nhất.

Cùng DA101 tìm hiểu về những thành phần chống oxy hóa thường gặp trong kem chống nắng nha.

1. Vai trò của các thành phần chống oxy hóa trong kem chống nắng

Các thành phần chống oxy hóa thường gặp trong kem chống nắng

Một kem chống nắng tốt, có độ bảo vệ cao cần có những yếu tố sau:

  • Chứa bộ màng lọc (UV Filters) có khả năng chống cả UVA lẫn UVB.
  • Các màng lọc ổn định, bền vững dưới nắng, với một số màng lọc không ổn định trong công thức những sản phẩm tốt sẽ có những thành phần khác giúp ổn định chúng.
  • Chứa các chất chống oxy hóa.
  • Những yếu tố khác như: có tính kháng nước, không quá trắng và bóng nhờn để có thể thoải mái sửu dụng hàng ngày.
  • Giá thành ở mức có thể tiếp cận được.

Từ những yêu cầu trên có thể thấy các chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng quyết định một kem chống nắng có độ bảo vệ cao và bền vững hay không.

  • Ngay sau khi tiếp xúc với tia UVs, các thành phần chống nắng bắt đầu bị phân hủy dần và sau một thời gian nhất định sẽ không còn tác dụng bảo vệ. Đây chính là lí do mà chúng ta cần bôi lại kem chống nắng sau tầm 3-4 giờ (lí tưởng là sau mỗi 2 giờ). Các thành phần chống oxy hóa sẽ giúp kéo dài “tuổi thọ ” của các màng lọc chống nắng sau khi bôi lên da, giúp người dùng không cần phải bôi lại quá nhiều lần trong ngày. Thậm chí hiện nay đã có một số loại kem chống nắng như Ultrasun được hãng cam kết là Once a day (chỉ bôi một lần).
  • Da chúng ta luôn phải chịu các tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài như khói bụi ô nhiễm, tia UVs. Các thành phần chống oxy hóa có vai trò bảo vệ da khỏi các gốc tự do từ các tác nhân ngoại lai này. Bên cạnh đó, chúng còn có tác dụng bảo vệ da khỏi các gốc tự do từ chính các sản phẩm chúng ta bôi lên da.
  • Nhiều thành phần chống oxy hóa có khả năng tăng khả năng bảo vệ của các màng lọc chống nắng (nhờ đó giúp tăng chỉ số SPF). Vì vậy hiện nay các hãng mĩ phẩm bắt đầu có xu hướng điều chế các loại kem chống nắng chứa ít màng lọc hơn và tăng các thành phần chống oxy hóa lên để cải thiện tình trạng bóng nhờn khi bôi kem chống nắng mà không làm ảnh hưởng tới độ bảo vệ.
  • Một số thành phần chống oxy hóa có thể giúp trung hòa tác hại của tia hồng ngoại (Ir) và ánh sáng xanh (Blue light).

2. Những lưu ý khi chọn kem chống nắng chứa các thành phần chống oxy hóa

Các thành phần chống oxy hóa thường gặp trong kem chống nắng

  • Các nghiên cứu đã chứng minh, sẽ tốt hơn cho làn da nếu chúng ta thiết lập một mạng lưới chống oxy hóa trên da. Nói cách khác, chỉ sử dụng một chất chống oxy hóa đơn lẻ sẽ không thể hiệu quả bằng việc kết hợp nhiều chất chống oxy hóa. Nguyên nhân là do có nhiều chất oxy hóa khác nhau và cũng có nhiều họ gốc tự do khác nhau vì vậy chúng ta cần nhiều chất chống oxy hóa để da được bảo vệ tối ưu nhất. Do đó, sẽ là lý tưởng nếu chúng ta có thể lựa chọn sử dụng một kem chống nắng có chứa nhiều thành phần chống oxy hóa bên cạnh yếu tố màng lọc có độ bảo vệ cao.
  • Trong trường hợp kem chống nắng không hoặc chứa ít các thành phần chống oxy hóa: Chúng mình hoàn toàn có khắc phục bằng thể bôi serum chứa thành phần chống oxy hóa, chẳng hạn như serum Vitamin C trước khi bôi kem chống nắng.

3. Các thành phần chống oxy hóa thường gặp trong kem chống nắng

Các thành phần chống oxy hóa thường gặp trong kem chống nắng

3.1. Thành phần chống oxy hóa: Bộ đôi vitamin C và vitamin E

Vitamin E là thành phần chống oxy hóa có mặt ở gần như tất cả các kem chống nắng trên thị trường hiện nay. Tác dụng chính của Vitamin E là chống oxy hóa cho sản phẩm.

Vitamin C là chất chống oxy hóa kinh điển và cho đến nay vẫn chưa có thành phần nào “qua mặt” được Vitamin C trong vai trò chống oxy hóa, đặc biệt là dẫn xuất L-AA. Tuy nhiên dẫn xuất này kém bền, nhanh chóng bị oxy hóa khi bảo quản ở nhiệt độ phòng, vì vậy trong kem chống nắng chúng ta thường bắt gặp các dẫn xuất khác của Vitamin C hơn.

3.2. Thành phần chống oxy hóa: Ectoin

Ectoin có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ da khỏi tổn thương cấp độ tế bào và ở một số nghiên cứu còn chỉ ra Ectoin còn có thể sữa chữa tổn thương DNA. Đây là thành phần chống oxy hóa có mặt trong nhiều dòng kem chống nắng của thương hiệu Bioderma, Ultrasun.

3.3. Thành phần chống oxy hóa: Các dẫn xuất của Cinnamic Acid

Các dẫn xuất phổ biến bao gồm Ferulic Acid và Caffeic Acid chứa Phenolics có tác dụng chống oxy hóa, giảm tác hại của UVB như bỏng nắng, cháy nắng.

3.4. Thành phần chống oxy hóa: Red Algae extract

Red Algae extract ( chiết xuất tảo biển đỏ) chứa beta-carotene, astaxanthin cũng là thành phần chống oxy hóa có mặt trong nhiều kem chống nắng trên thị trường hiện nay. Chúng có khả năng chống oxy hóa tốt, bền vững và còn giúp làm dịu kích ứng.

3.5. Thành phần chống oxy hóa: Plankton extract

Plankton là Sinh vật phù du, là vi sinh vật có khả năng bảo vệ da trước tác động của tia UV và ánh sáng xanh. Đặc biệt Plankton extract còn có thể giúp sữa chữa tổn thương ở cấp độ tế bào do tác hại của tia Uv, giảm stress oxy hóa nhờ đó giúp chống lão hóa sớm. Ngoài ra Plankton extract còn giúp phục hồi màng bảo vệ da, hỗ trợ làm sáng và đều màu da.

Các bạn có thể bắt gặp Plankton Extract ở một số kem chống nắng của hãng Isidin.

3.6. Thành phần chống oxy hóa: Polypodium leucotomos plant extract

Polypodium leucotomos plant extract chính là chiết xuất dương xỉ nổi tiếng trong các sản phẩm kem chống nắng và viên uống chống nắng của hãng Heliocare.

Polypodium leucotomos chứa nhiều chất chống oxy hóa bảo vệ da khỏi các gốc tự do do tia UV. Điều này là nhờ chiết xuất dương xỉ chứa các hợp chất nhưu axit p- coumaric, axit ferulic, axit caffeic, axit vanillic và axit chlorogenic có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ.

4. Những lưu ý về thành phần chống oxy hóa

  • Chúng ta có thể hấp thụ các thành phần chống oxy hóa qua con đường ăn uống như bổ sung trà xanh (giàu EGCG cũng là thành phần chống oxy hóa), ăn cải mầm (chứa Sulforaphane có khả năng chống oxy hóa hết sức mạnh mẽ), các rau củ quả chứa Beta-caroten.
  • Các thực phẩm chức năng được dán nhãn là chống oxy hóa hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi, bởi vậy cần phải cân nhắc trước khi sử dụng.
  • Các loại kem chống nắng chứa nhiều thành phần chống oxy hóa thường có giá thành cao. Chúng mình có thể thay thế bằng cách sử dụng serum có thành phần chống oxy hóa dưới lớp kem chống nắng.

5. Kết luận của DA101 về kem chống nắng chứa các thành phần chống oxy hóa.

Sử dụng mỹ phẩm chứa thành phần chống oxy hóa là điều hết sức cần thiết giúp bảo vệ da, chống lão hóa, duy trì làn da khỏe mạnh.

Bạn đang yêu thích những kem chống nắng được bổ trợ thêm các thành phần hữu ích này, hãy chia sẻ cùng DA101 nha.

———–

Website: www.da101.org

Instagram: DA101.OFFICIAL

Facebook: DA101

Phân tích thành phần mỹ phẩm: INGREDIENT ANALYZER

Tạo Routine: Hướng dẫn tạo Routine Chăm sóc da trên Website DA101