DNA Repair hay DNA Repair Enzymes là một cụm từ thường gặp trong nhiều sản phẩm chăm sóc da hiện nay, đặc biệt là trong các sản phẩm phục hồi da. Chúng được ca ngợi là giải pháp hữu hiệu để đối phó lại các tác nhân gây hại cho da dẫn đến các vấn đề như lão hóa, sắc tố và thậm chí là ung thư da. Trong bài viết này chúng mình cùng tìm hiểu về khái niệm DNA repair và ứng dụng công nghệ sữa chữa DNA trong mỹ phẩm nha.

1. DNA Repair là gì?

DNA Repair – sữa chữa DNA, nói cách khác là sữa chữa tổn thương cấp độ tế bào là hoạt động của các enzymes có chức năng sửa chữa hoặc vô hiệu hóa các DNA bị hư tổn, bị lỗi. Quá trình sữa chữa hoặc vô hiệu hóa này giúp hạn chế tối đa việc DNA bị sai lệch, hạn chế được các vấn đề về sức khỏe của cơ thể và làn da, trong đó nguy hiểm nhất là việc hình thành khối u hoặc ung thư.

2. Cơ chế DNA Repair

2.1. Tổn thương DNA

Trong cơ thể sống có vô số tế bào sống và tổn thương DNA là điều diễn ra hàng ngày không thể tránh khỏi. Tổn thương DNA là sự thay đổi cấu trúc cơ bản của DNA mà không phải tự chính nó sao chép khi DNA được sao chép. Tổn thương DNA có thể là sự bổ sung hóa học hoặc làm gián đoạn base DNA (tạo ra một đoạn nucleotide hoặc nucleotide bất thường) hoặc đứt gãy một hoặc cả hai chuỗi của sợi DNA. Khi DNA mang base bị tổn thương được sao chép, một base không chính xác thường có thể được chèn vào mặt đối diện với vị trí của base bị tổn thương trong sợi bổ sung, và điều này có thể trở thành đột biến trong vòng sao chép tiếp theo. Ngoài ra, các đứt gãy sợi kép DNA có thể được sửa chữa nhưng quá trình sửa chữa không chính xác dẫn đến đột biến. Bên cạnh đó, đứt gãy sợi kép có thể dẫn đến sự sắp xếp lại cấu trúc nhiễm sắc thể và sự thay đổi này có thể được truyền sang các thế hệ tế bào kế tiếp, nó cũng là một dạng đột biến.

2.2. DNA Repair và cơ chế tự sữa chữa tổn thương DNA

DNA repair và ứng dụng trong mỹ phẩm

Cơ chế enzyme sửa chữa DNA được phát hiện và nghiên cứu bởi Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar, và giành giải Nobel Hóa học 2015.

Cơ thể người là một bộ máy hết sức kì diệu, cơ thể chúng ta có thể tự sữa chữa sự hư hỏng này và do đó các đột biến này có thể tránh được nếu các hệ thống sửa chữa DNA nhận ra các tổn thương DNA là cấu trúc bất thường và sửa chữa các tổn thương trước khi sao chép. Và hệ thống sữa chữa tổn thương DNA hoạt động thông quá 3 loại enzymes chính. Bên cạnh đó, khi sự tự sữa chữa này hoạt động không hiệu quả, các tế bào bị tổn thương sẽ bị vô hiệu hóa, ngừng phân chia để ngăn chặn sự đột biến và ung thư.

Tổn thương DNA xảy ra ở cả tế bào tái tạo và tăng sinh, tế bào đã biệt hóa và tế bào không phân chia. Nếu các tổn thương DNA trong các tế bào tăng sinh không được sửa chữa, nguy cơ ung thư tăng lên. Ngược lại, khi các tổn thương DNA xảy ra ở các tế bào không tăng sinh và không được sửa chữa, các tổn thương có thể tích lũy và gây ra vấn đề lão hóa sớm mà ở trên da là các biểu hiện như nám, nếp nhăn, chảy xệ…

3. DNA Repair: Nguyên nhân dẫn tới tổn thương DNA

DNA Repair và ứng dụng trong mỹ phẩm

  • Tia UVs là nguyên nhân chính dẫn đến tổn thương DNA.(vì vậy sử dụng kem chống nắng hàng ngày cùng các chất chống oxy hóa là việc đơn giản nhất nhưng quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để hạn chế những tổn thương này)
  • Môi trường sống ô nhiễm: những tác nhân như khói bụi từ môi trường, khói thuốc la.
  • Các phản ứng viêm.
  • Các thương tổn vật lý (mụn, bị thương ở bề mặt da, bị tổn thương do tai nạn, va đập…)
  • Tiếp xúc phải các các chất độc (chẳng hạn như phóng xạ) làm tế bào đột biến.
  • Các phản ứng bên trong cơ thể.

Như đã nói ở trên, khi có tổn thương DNA và không được sữa chữa, vấn đề thường gặp nhất mà chúng mình đối mặt đó là sự lão hóa sớm, không tính đến các nguy cơ gây ung thư. Bởi vậy việc chăm sóc da để hạn chế tổn thương đồng thời sữa chữa các tổn thương là điều cực kỳ cần thiết.

4. Ứng dụng của DNA Repair trong mỹ phẩm

4.1. Các enzymes có tác dụng DNA Repair

Có ba loại enzymes chính đã được nghiên cứu và chứng minh là có tác dụng DNA Repair khi ứng dụng vào mỹ phẩm và chăm sóc da gồm:

  • T4 Endonuclease V
  • Photolyase
  • 8-Oxoguanine-DNA glycosylase 1 (OGG1)

Vấn đề với các enzymes là chúng có phân tử to, không thể thấm qua da, bởi vậy khi ứng dụng trong mỹ phẩm cần có hệ vận chuyển để hỗ trợ việc thấm. Cho đến nay, công nghệ vận chuyển hiệu quả nhất là bọc Lyposome vừa giúp hoạt chất thấm được qua lớp sừng vừa hạn chế nguy cơ chúng bị oxy hóa và mất tác dụng.

4.2. Tác dụng của enzymes DNA Repair lên da

DNA Repair và ứng dụng trong mỹ phẩm

Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa enzymes DNA Repair giúp hỗ trợ quá trình tự sữa chữa của cơ thể diễn ra hiệu quả hơn. Tác dụng cụ thể của chúng gồm:

  • Hạn chế lão hóa do tia UV: Dấu hiệu của lão hóa là sự đứt gãy collagen. Enzyme chịu trách nhiệm cho sự phân hủy collagen là Matrix Metalloproteinase (MMp-1) bị kích hoạt khi có sự tiếp xúc trực tiếp với tia UVs. Việc điều trị bằng Enzymes Photolyase (bọc lyposome) được chứng minh là giúp giảm sự biểu hiện của MMP-
  • Phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ ung thư da: Nghiên cứu và thực nghiệm đã chứng minh sử dụng kem chống nắng chứa enzyme Photolyase giảm hơn 50%  tổn thương có liên quan tới tế bào ung thư mô tế bào vảy ở da.
  • Giảm các phản ứng viêm: TNFα và IL-10 là các nhân tố gây ra phản ứng viêm da khi có sự tiếp xúc trực tiếp với tia Uvs. Khi sử dụng đồ bôi chứa enzyme T4 Endonuclease V bọc lyposome, lượng Cytokines TNFα và IL-10 giảm đáng kể.
  • Giảm tỉ lệ chết tế bào: Khi có sự tiếp xúc trực tiếp với tia UV, gen P53- là một gen liên quan tới quá trình chết bào – bị kích hoạt. Thực nghiệm cho thấy khi bôi kem chống nắng chứa enzyme photolyase giúp giảm biểu hiện của gen P53. Kết quả cũng cho thấy nhóm bôi kem chống nắng chứa Photolyase  lượng tế bào chết giảm tới 82%  trong khi nhóm tình nguyện viên chỉ bôi kem chống nắng không chứa photolyase con số này là 40%.
  • Giảm tổn thương da sau bỏng nắng: Sử dụng đồ bôi chứa enzyme T4 Endonuclease V không giúp hạn chế nguy cơ bị bỏng nắng nhưng giúp giảm nhanh các dấu hiệu bị bỏng nắng.

4.3. Cách nhận diện các DNA Repair Enzymes trong mỹ phẩm

Như đã nói ở trên, có ba loại enzymes cơ bản đã được chứng minh là có hiệu quả trong lĩnh vực DNA Repair, chúng mình có thể nhận ra sự có mặt của chúng trên bảng thành phần với các danh pháp sau như sau:

  • Enzyme T4 Endonuclease V: Micrococcus lysate hoặc Micrococcus Luteus: Micrococcus lysate là enzyme cắt liên kết phosphodiester trong một chuỗi polynucleotide có nguồn gốc từ Micrococcus Luteus là một khuẩn có lợi cho da. Micrococcus lysate được bọc lyposome để tăng hiệu quả.
  • Enzyme Photolyase : Plankton extract: Plankton extract là các “sinh vật phù du” , có họ với Red Algae Extract, là chất cho khả năng bảo vệ da trước tác động của tia Uvs và ánh sáng xanh, là chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
  • Enzyme 8-Oxoguanine-DNA glycosylase 1 (OGG1): Arabidopsis Thaliana Extract: Arabidopsis Thaliana Extract là chiết xuất thực vật thuộc họ Cải, có tác dụng chống oxy hóa mạnh.

5. Gợi ý sản phẩm chứa DNA Repair Enzymes

  • Neova Total DNA Repair Serum.
  • Image Skincare Prevention.
  • ZO Skin Health Daily Power Defense
  • Clinique ID Active for Lines and Wrinkles.

6. Kết luận của DA101 về DNA Repair Enzymes

DNA Repair và ứng dụng của chúng trong mỹ phẩm là lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong chăm sóc da, giúp chống lão hóa và kéo dài nét đẹp thanh xuân. Ở bài viết sau chúng mình sẽ cùng chia sẻ về trải nghiệm những sản phẩm chứa DNA Repair enzymes nha.

Reference:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2474726/

https://www.intechopen.com/chapters/43929

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK9900/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18459971/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28329483/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22086236/

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6718248/

———–

Website: www.da101.org

Instagram: DA101.OFFICIAL

Facebook: DA101

Phân tích thành phần mỹ phẩm: INGREDIENT ANALYZER

Tạo Routine: Hướng dẫn tạo Routine Chăm sóc da trên Website DA101