Các loại AHAs (Alpha-hydroxyl Acids) phổ biến nhất trong các sản phẩm chăm sóc da gồm: Glycolic Acid, Lactic Acid và Mandelic  Acid. Cơ chế hoạt động và hiệu quả trên da của chúng có gì khác nhau và loại nào phù hợp với các tình trạng da nào, hãy cũng DA101 tìm hiểu nha.

1. Tổng quan về tác dụng của AHAs đối với da

Sự khác biệt giữa các loại AHAs mà các bạn nên biết

Alpha-hydroxy acids, hay còn được gọi là AHAs  có đa tác dụng lên cấu trúc sinh lý của da:

  • Tại lớp sừng và thượng bì sống, bên cạnh việc AHAs giúp tẩy da chết, AHAs còn giúp tăng khả năng đề kháng của da đối với các tác nhân gây kích ứng thông qua việc đẩy nhanh tốc độ bài tiết của thể phiến.
  • Tại trung bì (Dermis), AHAs làm tăng bề dày của trung bì bằng cách làm tăng việc tổng hợp collagen và GAGs tự thân, từ đó giúp cho da trở nên đàn hồi và săn chắc hơn.
  • Có 3 loại AHAs phổ biến nhất trong các sản phẩm chăm sóc da gồm: Glycolic acid, Lactic acid và Mandelic acid. Tuy nhiên, hiện nay rất ít bài viết có thể cung cấp những thông tin chi tiết về sự khác nhau giữa các loại AHAs này.

2. Tác động tẩy da chết của AHAs có làm yếu hàng bảo vệ da hay không?

Sự khác biệt giữa các loại AHAs mà các bạn nên biết

2.1 Hàng rào bảo vệ da và vai trò của nó

  • Lớp ngoài cùng của da là lớp sừng, nó bao gồm những tế sừng đã chết được xếp chồng lên nhau. Giữa các lớp tế bào chết này được lấp đầy trong Lipid.
  • Lớp lipid này được sản xuất tại thể phiến và khi di chuyển lên lớp sừng, chúng được gắn chặt lên các tế sừng tạo ra mô hình gạch- vữa, trong đó tế bào sừng giống như những viên gạch và Lipid như là Vữa.
  • Lớp lipid này bao gồm chủ yếu là: ceramide, acid béo tự do và cholesterol.
  • Nếu cấu trúc này trở nên suy yếu, các yếu tố ngoại lai môi trường như bụi bẩn, vi khuẩn… sẽ tấn công vào da gây ra viêm  đồng thời da sẽ giảm khả năng giữ nước, gây khô và ngứa da, giảm sức đề kháng của da. Do đó, hàng rào bảo vệ da là nhân tố rất quan trọng để đánh giá “sức đề kháng” của da.

2.2 AHAs tẩy da chết có làm suy yếu hàng rào bảo vệ da không?

  • Theo Tác giả Wang (1999) [1] AHAs có khả năng hoạt động như một Chelator có khả năng kìm ion kim loại (làm giảm nồng độ ion Calcium có trong lớp sừng). Khi nồng độ ion Calcium giảm, các liên kết giữa các tế bào chết sẽ bị suy yếu, từ đó chúng sẽ dễ bị rụng đi, nhờ đó AHAs có tác dụng tẩy tế bào chết.
  • Mặc dù AHAs có thể làm mỏng lớp sừng, nhưng nó không làm suy yếu lớp sừng.
  • Nghiên cứu [2] đã phát hiện ra rằng, khi bôi 5% Glycolic acid hoặc 5% Lactic acid tại pH 3.8 lên da chuột trong vòng 14 ngày, các tác giả nhận thấy rằng, Glycolic acid và Lactic acid  có tác dụng làm mỏng lớp sừng nhưng lại không gây khô da. Thậm chí còn tăng cường sức đề kháng của da khỏi các tác nhân gây kích ứng.
  • Cả Glycolic acid và Lactic acid làm tăng số lượng và tăng tốc độ bài tiết của thể phiến, đẩy nhanh quá trình tái thiết lập hàng rào lipid từ đó ngăn chặn các tác nhân gây kích ứng và khô da.
  • Lactic acid cho khả năng hồi phục hàng rào lipid nhanh hơn so với Glycolic acid.
  • Ngoài ra, nghiên cứu [3] còn cho thấy, khi bôi 4% Lactic acid (pH 43.7-4.0) lên da người giúp tăng cường tổng hợp Ceramide, đặc biệt là đồng L-Lactic acid, giúp cải thiện hiệu quả chức năng của hàng rào lipid, làm giảm sự thất thoát nước qua da.

3. Sự khác biệt cơ bản của các loại AHAs thường gặp

Sự khác biệt giữa các loại AHAs mà các bạn nên biết

3.1. Kích thước phân tử các loại AHAs

  • Glycolic có kích thước phân tử nhỏ nhất, nên nó dễ thấm qua da, dễ gây kích ứng nhất, có thể không phù hợp với da quá khô hoặc quá nhạy cảm.
  • Mandelic acid do có cấu tạo phân tử to hơn so với Lactic và Glycolic, cấu trúc này giúp phân tử có ái lực cao với bã nhờn hơn (bị thu hút bởi bã nhờn). Khi bôi lên da, Mandelic acid thẩm thấu chậm hơn và đồng đều vào da hơn so với Glycolic và Lactic, nhờ đó Mandelic Acid ít gây cháy da “cục bộ” do sự lắng đọng acid. Do có ái lực cao với sebum, Mandelic acid có khả năng tẩy da chết ở thành lỗ chân lông, từ đó giúp giảm mụn ẩn và mụn viêm. Do đó Mandelic acid phù hợp với da mụn, nhạy cảm.

3.2. Phục hồi hàng rào bảo vệ da

Lactic acid, đặc biệt là L-lactic acid giúp phục hồi da tốt hơn Glycolic acid. Lactic acid không chỉ tăng cường nồng độ ceramide, mà còn thay đổi tỉ lệ thành phần của Lipid từ đó giúp bình thường hoá và duy trì hàng rào lipid [3].

Lactic acid tăng số lượng và tăng tốc độ bài tiết thể phiến tốt hơn so với Glycolic acid. Do đó, Lactic acid phù hợp hầu hết các loại da, nhất là với da khô, nhạy cảm.

3.3. Khả năng chống lão hoá

Nghiên cứu [4] so sánh hiệu quả của 8% Glycolic acid (GA) và 8% L-Lactic acid (LA) so với placebo, áp dụng 2 lần/ngày lên các tình nguyện viên (TNV)  trong 22 tuần, kết quả tóm tắt dưới bảng sau:

Sự khác biệt giữa các loại AHAs mà các bạn nên biết

Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy, cả GA và LA đều cải thiện đáng kể các dấu hiệu của lão hoá so với placebo. Mặc dù, GA có vẻ cải thiện tốt hơn so với LA, nhưng không đáng kể

4. Kết luận của DA101 về các loại AHAs

  • Hiệu quả của các loại AHAs phụ thuộc vào nồng độ, pH và công thức của sản phẩm cũng như  tình trạng da của người dùng. Nồng độ càng cao, pH thấp, càng dễ gây kích ứng.
  • Hầu hết các loại AHAs có thể kết hợp tốt với routine chống lão hoá, Madelic acid phù hợp với routine cho da mụn, Lactic acid có thể kết hợp với routine phục hồi cho da khô, nhạy cảm. Tuy nhiên, cần chú ý là Lactic acid vẫn có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm do pH thấp. Do đó, chúng ta nên kết hợp thêm đa dạng các sản phẩm phục hồi, kháng viêm như Niacinamide, Panthenol, cam thảo, chiết xuất rau má, Điều quan trọng nhất là sử dụng các sản phẩm chứa AHAs ở tần suất và nồng độ hợp lý, vừa phải, cũng như không quên sử dụng  kem chống nắng phổ rộng hàng ngày để đạt được hiệu quả tối ưu nhất nhé.

(Xin chân thành cảm ơn đồng tác giả: Trần Duy Tân- cộng tác viên của DA101)

Reference:

[1] Wang X. A theory for the mechanism of action of the α-hydroxy acids applied to the skin. Med Hypotheses 1999; 53:380–382.

[2] Kim, T. H., Choi, E. H., Kang, Y. C., Lee, S. H., & Ahn, S. K. (2001). The effects of topical α‐hydroxyacids on the normal skin barrier o hairless mice. British Journal of Dermatology, 144(2), 267-273.

[3] Rawlings, A. V., Davies, A., Carlomusto, M., Pillai, S., Zhang, K., Kosturko, R., … & Chandar, P. (1996). Effect of lactic acid isomers on keratinocyte ceramide synthesis, stratum corneum lipid levels and stratum corneum barrier function. Archives of dermatological research, 288(7), 383-390.

[4] Stiller, M. J., Bartolone, J., Stern, R., Smith, S., Kollias, N., Gillies, R., & Drake, L. A. (1996). Topical 8% glycolic acid and 8% L-lactic acid creams for the treatment of photodamaged skin: a double-blind vehicle-controlled clinical trial. Archives of dermatology, 132(6), 631-636.

———–

Website: www.da101.org

Instagram: DA101.OFFICIAL

Facebook: DA101

Phân tích thành phần mỹ phẩm: INGREDIENT ANALYZER

Tạo Routine: Hướng dẫn tạo Routine Chăm sóc da trên Website DA101