Corticoid là cái tên thường được “réo tên” trong làng mỹ phẩm, nhưng nó lại được biết đến với hậu quả “tai hại” làm nhiều làn da phải “ét ô ét”. 

Thường có mặt trong các sản phẩm kém chất lượng, hiệu quả nhanh nhưng hậu quả cũng lớn. Điển hình là các loại kem trộn “hot girl” gắn mác “nhập khẩu”, hoặc các loại kem trộn thủ công tại nhà. 

Đây là chất độc được xếp vào nhóm độc bảng A, nhưng trong một số trường hợp, Corticoid vẫn mang lại một số công dụng nhất định, nó xấu là do người lạm dụng hoặc không hề biết sản phẩm họ dùng chứa thành phần này nên vẫn vô tư dùng.

Chúng ta cùng tìm hiểu về corticoid nhé!

1. Corticoid là gì?

Tìm hiểu tất tần tật về Corticoid trong "truyền thuyết"

Corticoid hay còn gọi là Corticosteroid, là một loại thuốc được chỉ định sử dụng trong lĩnh vực y học nói chung và da liễu nói riêng. Corticoid là chất tương tự như sự tổng hợp của hormone steroid tự nhiên, từ vỏ thượng thận sinh ra, bao gồm cả glucocorticoid và mineralocorticoid. Và các hormone này có những đặc tính khác nhau, như glucocorticoid chủ yếu tham gia vào quá trình chuyển hóa và chúng có tác dụng ức chế miễn dịch hay chống viêm, còn mineralocorticoid sẽ điều chỉnh cân bằng điện giải và nước trong cơ thể và tác động đến sự vận chuyển icon trong tế bào biểu mô. 

Tuy nhiên, corticoid là cái tên để biểu thị cho tác dụng của glucocorticoid. Nó cũng là cái tên nằm trong danh sách thuốc kê đơn, đa dạng với các loại đường uống và đường bôi thoa. 

Với đường uống, chúng được chỉ định cho các bệnh lý như nhiễm trùng, dị ứng, hạ canxi, hạ đường huyết,… và các loại bệnh khác. 

Với đường bôi thoa, corticoid sẽ được kê đơn với những trường hợp như bệnh vẩy nến, bệnh bạch biến, bệnh chàm, viêm da dị ứng,… Là một sản phẩm “cấp cứu” tạm thờ, thường là 3 đến 7 ngày và không được lạm dụng quá thời gian nói trên vì sẽ dẫn đến lệ thuộc và thậm chí bị teo da sau một thời gian. 

Bên cạnh đó, các bạn có thể tìm hiểu thêm một số trường hợp sử dụng corticoid và đưa vào điều trị như sau:

  • Dị ứng và Xung huyết: bệnh hen suyễn cấp tính, sốc phản vệ, mày đay và phù mạch, viêm mũi, viêm phổi,…
  • Da liễu: viêm da tiếp xúc, vảy nến, bạch biến,…
  • Nội tiết: suy thượng thận
  • Tiêu hóa: bệnh viêm ruột, viêm gan,…
  • Huyết học: thiếu máu, bệnh bạch cầu, ung thư hạch,…
  • Bệnh thấp khớp: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm đa cơ, viêm cơ da, đau đa cơ do thấp khớp,…
  • Mắt: viêm màng bồ đào, viêm kết mạc
  • Trường hợp khác: cấy ghép nội tạng, trưởng thành phổi trước sinh, hội chứng thận hư, phù não, đa xơ cứng. 

2. Cơ chế hoạt động 

Cơ chế hoạt động corticoid chủ yếu là chống viêm, ức chế miễn dịch và chống phân bào. 

Cơ chế chống viêm bao gồm co mạch, ức chế giải phóng phospholipase A2 (enzyme chứa gốc acid), tác dụng ức chế trực tiếp DNA và các yếu tố phiên mã gây viêm. Các mạch máu bị co lại trong lớp hạ bì trên sẽ làm giảm số lượng chất trung gian gây viêm khi thuốc thoa đến. 

Nó cũng xảy ra từ quá trình tổng hợp lipocortin ức chế phospholipase A2, cuối cùng làm giảm sản xuất prostaglandin (các acid béo trong mô) và leukotrien (nhóm chất trung gian gây viêm). Corticoid tác động trực tiếp tới DNA để tăng biểu hiện của các gen chống viêm và gián tiếp ức chế các yếu tố phiên mã gây viêm.

3. Tình trạng chống chỉ định 

Corticoid chống chỉ định với các trường hợp nhiễm nấm toàn thân, tăng nhãn áp, xung huyết không kiểm soát được, đái tháo đường, loãng xương, tăng lipid và các bệnh lý khác.

Do đó, corticoid không phải là một loại thuốc tùy ý sử dụng nếu bạn không muốn xảy ra nhiều rủi ro không đáng. Hãy để bác sĩ – những người có chuyên môn chẩn đoán và điều trị một cách chuẩn xác nhất nhé. 

4. Corticoid tác dụng gì với làn da?

Tìm hiểu tất tần tật về Corticoid trong "truyền thuyết"

Thực chất, corticoid chỉ nên sử dụng vào các trường hợp cấp bách và được chỉ định bởi bác sĩ khi cần. 

Corticoid đem lại khả năng chống viêm, giảm kích ứng, dịu da và ngăn tình trạng lây lan viêm nhiễm khi các bạn bị kích ứng, điển hình như với Retinoids hoặc kích ứng do một số thành phần không đáp ứng.

Như các bạn cũng biết, trong kem trộn kém chất lượng chứa hàm lượng lớn corticoid để có thể trị “bách bệnh” của làn da, điển hình như mụn trứng cá, sạm nám, tàn nhang,..Điều cần lưu ý là Corticoid không giúp điều trị căn nguyên của bệnh mà nó thường làm lu mờ triệu chứng. Bởi vậy rất nhiều trường hợp bị mụn dùng kem chứa Corticoid thì da đỡ viêm rất nhanh khiến người dùng lầm tưởng sản phẩm tốt. Nhưng chỉ cần ngưng sử dụng, mụn lại bùng phát mạnh mẽ hơn. Khi bôi kem chứa Corticoid, thời gian đầu da ngậm nước, căng bóng và trắng. Tuy nhiên sau đó sẽ là chuỗi ngày da trở nên yếu dần và thậm chí mất đi vân da, teo da,… 

Tóm lại, Corticoid không gây hại với làn da nếu không lạm dụng và sử dụng với mục đích sai. Nhưng vấn đề ở chỗ những người dùng lại không hề biết loại mỹ phẩm kem trộn họ đang dùng chứa Corticoid. Bởi vậy khi nhận ra thì da đã yếu đi rất nhiều rồi.

4. Tác dụng phụ

Tìm hiểu tất tần tật về Corticoid trong "truyền thuyết"

Nhiều nghiên cứu đã được báo cao, corticoid lạm dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra nhiều vấn đề như:

  • Viêm da
  • Nhiễm khuẩn
  • Da bị mất cơ chế tự miễn dịch
  • Kích ứng
  • Teo da, mất đi vân da
  • Rối loạn sắc tố da
  • Nhiều các bệnh lý phát sinh khác

Như đã nói ở phía trên, hậu quả của việc lạm dụng cực kỳ tai hại và phải mất rất nhiều công sức, thời gian để phục hồi da lại khoảng 70-80% so với ban đầu. 

Một chuyện đáng tiếc, rằng da sẽ không thể quay trở lại như ban đầu, mà chỉ có thể khắc phục hoặc ít ra đã “cai” được corticoid. Nhưng nếu các bạn kiên trì, nuôi dưỡng và chăm sóc da đúng cách, thì làn da cũng sẽ được cải thiện phần nào nhé. Do đó, chúng ta hãy sử dụng mỹ phẩm có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng để tránh rủi ro dính phải.

5. Kết luận

Corticoid là một loại thuốc mạnh và không dễ dàng sử dụng nếu các bạn không có kiến thức về nó. Đặc biệt, đây là một trong những thuốc nằm trong hệ thuốc kê đơn, nên để mua hoặc sử dụng được các bạn nên thông qua bác sĩ và nghe hướng dẫn về cách sử dụng để đạt hiệu quả và không gây tác dụng phụ nhé.

Mong rằng bài viết này sẽ đem lại cho bạn nhiều thông tin bổ ích!

———–

Website: www.da101.org

Instagram: DA101.OFFICIAL

Facebook: DA101

Phân tích thành phần mỹ phẩm: INGREDIENT ANALYZER

Tạo Routine: Hướng dẫn tạo Routine Chăm sóc da trên Website DA101