Nồng độ Niacinamide trong các sản phẩm chăm sóc da bao nhiêu là phù hợp? Có phải nồng độ càng cao thì càng hiệu quả không? Đây là những câu hỏi xung quanh Nianinamide- một thành phần được xem là toàn năng- hiện đang đóng vai trò gần như không thể thiếu trong mọi chu trình dưỡng da.

Trong bài viết này DA101 sẽ giải đáp thắc mắc xung quanh nồng độ của Niacinamide trong các sản phẩm chăm sóc da.

1. Niacinamide là gì?

Trong nhiều bài viết trước về Niacinamide, DA101 đã cùng các bạn tìm hiểu về thành phần gần như là phổ biến nhất trong thị trường mĩ phẩm này. Niacinamide/ Nicotinamide hay còn được gọi là Vitamin B3 là một hoạt chất  tan trong nước. Về đường ăn uống, chúng ta có thể bổ sung Niacinamide bằng các thực phẩm chứa niacin như gan, nấm.

Nồng độ Niacinamide trong mỹ phẩm

Một dạng khác của của Vitamin B3 là Niacin nhưng ít gặp hơn trong các sản phẩm chăm sóc da vì Niacin thường gây ra hiện tượng Flush (đỏ, nóng mặt). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến một số bạn có làn da quá nhạy cảm có thể bị châm chích khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa Niacinamide vì trên thực tế chúng luôn tồn tại một lượng rất nhỏ Niacin. Tuy nhiên hiện tượng này sẽ nhanh chóng giảm và hết khi da đã làm quen và đáp ứng với Niacinamide.

Có một số tranh cãi về việc sử dung Niacinamide với các sản phẩm hoạt động với pH thấp như AHA hay L-AA sẽ gây flush vì khiến Niacinamide chuyển hóa thành Niacin, điều này là không chính xác vì để chuyển hóa được cần phải mất thời gian rất lâu và cần điều kiện xúc tác nên các bạn có thể yên tâm sử dụng chúng cùng một routine nha.

2. Tác dụng của Niacinamide

2.1 Niacinamide chống lão hóa

Nồng độ Niacinamide trong mỹ phẩm

Niacinamide không chỉ giúp hạn chế sự phân hủy collagen mà còn thúc đẩy tăng sinh collagen, nhờ đó làm chậm quá trình lão hóa và giảm sự xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như nhăn, đốm nâu, sạm da và kém đàn hồi.

Trong một nghiên cứu về tác dụng chống lão hóa của Niacinamide, thử nghiệm được thực hiện trên da của một nhóm  phụ nữ da trắng có dấu hiệu bị lão hóa da. Nhóm người này được bôi Niacinamide với nồng độ 5% trên nửa mặt gương mặt trong 12 tuần và nửa gương mặt còn lại là sử dụng tá dược. Kết quả là vùng da sử dụng Niacinamide có sự cải thiện rõ rệt: giảm nhăn, giảm đốm nâu và sạm da, da có sự đàn hồi hơn.

2.2. Niacinamide giúp sữa chữa DNA

Nồng độ Niacinamide trong mỹ phẩm

Vai trò của Niacinamde trong việc sữa chữa DNA và duy trì sự ổn định của bộ Gene có thể hiểu một cách đơn giản là Niacinamide đóng vai trò là tiền chất   của nicotinamide adenine dinucleotide (NAD+)- là một coenzyme thiết yếu trong sản xuất ATP và là chất nền duy nhất của enzyme poly-ADP-ribose polymerase-1 (PARP-1). PARP-1 là enzyme phát hiện tổn thương DNA.

2.3. Niacinamide giúp mờ thâm và làm sáng da

Niacinamide giúp mờ thâm và làm sáng da theo cơ chế ngăn cản quá trình vận chuyển Melanosomes ( chứa các hạt sắc tố) tới tế bào sừng trên bề mặt.

Trong một thử nghiệm, 18 người  bị tăng sắc tố sử dụng kem dưỡng ẩm chứa 5% Niacinamide, 120 người khác bị rám nắng được chia làm 3 nhóm: nhóm 1 sử dụng tá dược, nhóm 2 sử dụng kem chống nắng và nhóm 3 sử dụng nồng độ Niacinamide 2% cùng với kem chống nắng. Kết quả thu được sau 4 tuần rất khả quan:  Niacinamide cản trở 35-68 % sự vận chuyển Melanosomes và tăng sắc tố giảm đáng kể.

2.4. Niacinamide giúp kháng viêm

Trong các nghiên cứu , Niacinamide từ nồng độ 4% giúp kháng viêm, nhờ đó sử dụng các sản phẩm chứa Vitamin B3 giúp cải thiện tình trạng viêm đỏ, mụn trứng cá đỏ.

Nhờ đặc tính kháng viêm và giúp mờ thâm, Niacinamide là lựa chọn đầu tiên và tối ưu cho tình trạng thâm đỏ sau mụn (PIE).

2.5. Niacinamide giúp phục hồi màng bảo vệ da

Nồng độ Niacinamide trong mỹ phẩm

Niacinamide giúp  tăng sinh ceramide. Điều này giúp hàng rào bảo vệ da sẽ khỏe mạnh. Ngoài tăng sinh Ceramide thì Sphingolipid ( là Precusor của Ceramide) cũng đươc tăng sinh.

Ngoài ra Niacinamide còn có những tác dụng khác như kiểm soát lượng bã nhờn (với 2% Niacinamide), giảm tổn thương da do tia UV… Từ những tác dụng trên có thể khẳng định Niacinamide là thành phần chăm sóc da đa nhiệm nhất tính tới thời điểm hiện nay.

3. Nồng độ Niacinamide phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da

Hiện nay các sản phẩm như serum, kem dưỡng… chứa nồng độ Niacinamide phổ biến nhất từ 4% -10%. Một số sản phẩm phổ biến có thể kể tới:

Hiện nay các hãng mỹ phẩm bắt đầu cho ra đời các sản phẩm với nồng độ Niacinamide cao hơn, lên tới 20%. Nổi bật như:

4. Nồng độ Niacinamide cao có tốt không?

Cùng với việc ra đời các sản phẩm skincare với nồng độ Niacinamide cao, những nguời yêu cái đẹp, yêu thích chăm sóc làn da đặt ra mối quan tâm: Vậy những sản phẩm có nồng độ thấp hơn có kém hiệu quả hơn không?

Hầu hết các nghiên cứu được công bố về tác dụng của Niacinamide lên các vấn đề như mụn, tăng sắc tố, lão hóa…. thì nồng độ Niacinamide trong các nghiên cứu lâm sàng này đều ở mức 4-5% và thậm chí là chỉ với 2% vẫn có kết quả khả quan. Bởi vậy nói các sản phẩm chứa Niacinamide nồng độ thấp sẽ kém hiệu quả là hoàn toàn không có cơ sở.

Tới nay, DA101 vẫn chưa tiếp cận được nghiên cứu công khai hoặc tài liệu chính thống nào đề cập đến hiệu quả của Niacinamide với nồng độ cao lên tới 20%. Có thể những nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện nhưng không công khai bởi các hãng.

5. Kết luận

Như đã đề cập ở trên, nồng độ Niacinamide ở 4-5% đã có tác dụng lên da và đưa lại sự cải thiện tốt rồi. Bởi vậy nồng độ từ 4-10% sẽ là lựa chọn phù hợp và an toàn với số đông và với mọi nhu cầu của da.

Tuy nhiên chọn nồng độ thấp hay cao là tùy vào quan điểm và sự lựa chọn các nhân của mỗi người. Điều cần lưu ý là, như hầu hết các thành phần khác, nồng độ càng cao thì nguy cơ kích ứng theo đó cùng càng cao. Vì vậy với những bạn mới làm quen với Niacinamide, DA101 khuyến khích các bạn nên bắt đầu với các sản phẩm có nồng độ thấp từ 4-7% và tăng dần lên khi da đã đáp ứng tốt.

Hi vọng bài viết cung cấp những thông tin bổ ích cho các bạn.

Reference

  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10971324/
  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/12100180/
  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16029679/
  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19017042/
  • https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/18492135/
———–

Website: www.da101.org

Instagram: DA101.OFFICIAL

Facebook: DA101

Phân tích thành phần mỹ phẩm: INGREDIENT ANALYZER

Tạo Routine: Hướng dẫn tạo Routine Chăm sóc da trên Website DA101