Các nhân tố Peeling trong Chemical Peel phù hợp với tình trạng da cùng với kĩ thuật thực hiện là điều quan trọng nhất quyết định sự thành công của phương pháp này.

Chemical Peel là phương pháp phổ biến giúp giải quyết nhiều vấn đề về da như mụn, sắc tố, lỗ chân lông to… Đây là phương pháp khá an toàn, hiệu quả, được thực hiện tại cả Spa/ Clinic (hay còn gọi là Professional Peel) và tại nhà (Home peel). Tuy nhiên, nếu chọn nồng độ không phù hợp với tình trạng da, thực hiện sai quy trình hoặc có sự cố xảy ra có thể khiến da bị bỏng Acids và để lại hậu quả nặng nề. Chúng mình cùng tìm hiểu về Chemical Peel và các lưu ý quan trọng khi thực hiện nha.

1. Các nhân tố Peeling: Giới thiệu về Chemical Peel

So sánh các nhân tố Peeling trong Chemical Peel

  • Chemical peel hay còn gọi là lột da bằng hoá chất, được định nghĩa là phương pháp điều trị cho da với các dung dịch acids, nhằm mục đích cải thiện cấu trúc của da bằng cách thúc đẩy các quá trình loại bỏ lớp trên cùng và tái tạo các mô mới tự nhiên của da, “phá huỷ” hoàn toàn hoặc một phần lớp thượng bì, cũng như có hoặc không có tác động một phần đến lớp trung bì. 
  • Tác động peel có thể đạt đến trung bì, thông qua cơ chế trực tiếp hoặc gián tiếp, tùy thuộc vào mức độ ăn sâu của peel, cũng như các phân tử acid được sử dụng. 
  • Chemical peel là phương pháp có lịch sử sử dụng lâu đời, an toàn và hiệu quả cho đa dạng các vấn đề của da, phổ biến nhất cải thiện tình trạng lão hoá, nám và mụn. 
  • Lưu ý: trong bài viết này, Da101 sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản về Chemical peels, Da101 không chịu bất kỳ liên đới nào khi bạn tự thực hành peel tại nhà mà chưa được qua đào tạo thành thạo.

2. Cơ chế hoạt động của các nhân tố peeling trong Chemical Peel

So sánh các nhân tố Peeling trong Chemical Peel

  • Chemical peel loại bỏ lớp ngoài cùng của da thông qua cơ chế tiêu sừng hoặc đông tụ protein. Cơ chế tiêu sừng bao gồm các AHAs (glycolic acid, lactic acid, mandelic acid,..), BHA như salicylic acid, LHA,…Các tác nhân acid này có thể thẩm thấu xuyên qua lớp sừng, chúng phá vỡ sự kết dính giữa các tế bào bằng cách bẻ gãy các liên kết gắn kết giữa tế bào chết. Cơ chế đông tụ xảy ra với TCA, nó phá huỷ bề mặt tế bào thông qua biến tính protein và đông tụ tế bào sừng. Cả hai cơ chế này đều thúc đẩy quá trình bong tróc và đẩy nhanh quá trình làm mới thượng bì. 

Điều cần lưu ý là kể cả khi các nhân tố peeling chỉ tác động ở lớp trên của thượng bì, cấu trúc của trung bì cũng thay đổi bằng những cơ chế được hiểu rõ.  Bên cạnh đó hiệu quả của chemical peel phụ thuộc vào bản chất của tác nhân peeling, tình trạng da, công thức và độ sâu của peel. Chemical peel có hiệu quả càng tốt khi peel càng sâu nhưng biến chứng gây ra cũng nặng nề nhất.

3. Các nhân tố Peeling: Phân loại Chemical Peel theo độ sâu

3.1. Mức độ peel rất nông

Có thể được sử dụng tại nhà với sự hướng dẫn/giám sát của kỹ thuật viên hoặc bác sĩ da liễu.

 Mức độ mô học: Chỉ có tác động ở lớp sừng mà không gây ra bất kỳ tác động nào đến thượng bì 

 Nhân tố peeling:

  • Glycolic acid 30-50%, với thời gian áp dụng từ 1-2 phút, tuỳ theo tình trạng, độ dày, khả năng đáp ứng peel của da. Glycolic acid thường yêu cầu cần phải trung hoà với dung dịch sodium bicarbonate, hoặc trung hoà theo chỉ định của nhà sản xuất. Thời gian peel cũng phụ thuộc vào công thức của từng hãng sản xuất. 
  •  TCA 10%, áp dụng 1 lớp, do TCA có thể tự trung hoà trên da nên không cần dùng thêm dung dịch trung hoà.
  • Salicylic acid 20%, có thể áp dụng từ 1-3 lớp, tuỳ theo khả năng chịu đựng của da, peel salicylic không yêu cầu phải trung hoà, do salicylic acid có thể tự trung hoà trên da. Trong một số trường hợp, có thể dùng khăn ẩm, lau sạch cặn salicylic acid kết tinh trên bề mặt da.
  • Jessner Peel, có thể áp dụng từ 1-3 lớp, Jessner peel được xem là mạnh hơn so với Salicylic acid peel, nên cần lưu ý khi sử dụng peel này, dung dịch jessner peel có thể tự trung hoà trên da. Trong trường hợp peel quá nhiều, có thể dùng khăn ẩm để lau đi phần thừa acid trên bề mặt da.

3.2. Mức độ peel nông

Cần được thực hiện tại phòng khám với sự giám sát trực tiếp của bác sĩ da liễu

 Mức độ mô học: tác động đến một phần hoặc toàn bộ thượng bì

 Nhân tố peeling: thường gặp là Glycolic acid 50-70%, TCA 10-30% , Jessner peel . Nồng độ peel cao hơn so với peel rất nông, số lớp áp dụng cũng có thể nhiều hơn. Ở mức độ peel Nông cần phải được sự theo dõi trực tiếp tại phòng khám của bác sĩ da liễu. 

3.3. Mức độ peel trung bình

Cần được thực hiện tại phòng khám

 Mức độ mô học: tác động đến lớp trung bì papillary 

Nhân tố peeling: thường gặp là Glycolic acid 70%, TCA 35-50%, với số lớp và thời gian peel theo chỉ định của bác sĩ. Đôi khi, ở cấp độ peel này, có thể phối hợp/phối trộn nhiều dung dịch acid khác nhau hoặc kết hợp với các liệu trình xâm lấn khác để giải quyết tối ưu đa các vấn đề trên da. Cần có nhiều thời gian phục hồi hơn so với peel Nông.

3.4. Mức độ peel sâu

Gần như không được thực hiện ở Việt Nam. 

4. So sánh một số hoạt chất Chemical Peel thường gặp:

4.1 Glycolic acid peel <30%:

  •  Cơ chế: GA làm giảm sự kết dính của các tế bào sừng, thúc đẩy quá trình thay mới tế bào, cải thiện cấu trúc trung bì. Thường được sử dụng trong hầu hết phác đồ chống lão hoá quang hoá. 
  •  Đặc điểm: peel glycolic acid thường yêu cầu trung hoà với dung dịch sodium bicarbonate, quá trình trung hoà có thể làm da nóng nhẹ, do phản ứng trung hòa là phản ứng toả nhiệt. Điểm cuối lâm sàng ( thời điểm trung hoà) là khi da bắt đầu xuất hiện các nốt mẩn đỏ nhẹ, hơi ngứa. Một số nhà sản xuất cũng quy định thời gian peel tối đa cho sản phẩm của họ.
  •  Ưu điểm: Chỉ bị mẩn đỏ nhẹ. Bong tróc nhẹ. Thời gian phục hồi 1-2 tuần. Thích hợp cho da lão hoá.
  • Nhược điểm: peel có thể thẩm thấu không đều, dễ gây “quá tải acid” cục bộ. Cần trung hoà đúng lúc. Cần canh thời gian để trung hoà. Dễ gây tăng sắc tố do trung hoà sai thời điểm. Cẩn trọng với da mụn. 

4.2 Mandelic acid 30%-50%:

  •  Cơ chế: Gần giống với glycolic acid, tuy nhiên, Mandelic acid Có cả đặc tính ưa béo và ưa nước. Do đó có ái lực cao với bã nhờn, vừa tẩy da chết bề mặt, vừa có tác dụng tiêu còi, kháng viêm.
  • Đặc điểm: uỳ theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, peel có thể hoặc không yêu cầu trung hoà. Điểm cuối lâm sàng là mẩn đỏ và ngứa da nhẹ. 
  •  Ưu điểm: Thích hợp cho mọi loại da, nhất là da mụn, nhạy cảm, dễ tăng sắc tố. Thấm đồng đều vào da. Ít gây khô da
  •  Nhược điểm: Hiệu quả chậm. Giá cao

4.3 Salicylic acid 20% (nền cồn) và 30% (nền gel giải phóng chậm):

So sánh các nhân tố Peeling trong Chemical Peel

  •  Cơ chế: Có đặc tính ưa béo, thẩm thấu tốt vào nang lông nên có tác dụng tiêu còi và kháng viêm. 
  •  Đặc điểm: peel salicylic không yêu cầu trung hoà, điểm cuối lâm sàng là lúc trên da xuất hiện kết tủa trắng Có thể loại bỏ kết tủa này với khăn ẩm. Lưu ý, không tự ý peel Salicylic trên vùng da rộng mà khi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ, vì salicylic acid có thể gây ngộ độc. 
  •  Ưu điểm: Do có kết tủa, dùng để xác minh mức độ đồng đều của lớp peel. Phù hợp cho mọi loại da, nhất là da mụn
  • Nhược điểm: Nền cồn có thể gây khô da, có thể kích ứng, nền gel giải phóng phù hợp với da nhạy cảm. Hiệu quả không cao cho da lão hoá. Cảm giác nóng rát, châm chích khi peel.

4.4 Jessner peel:

  •  Cơ chế: Tẩy da chết toàn diện từ 3 hoạt chất Salicylic acid, Lactic acid Resorcinol được hoà tan trong cồn. Resorcinol còn có tác dụng làm trắng da.
  •  Đặc điểm: vừa có kết tủa trắng và vừa có ban đỏ. Có thể Mạnh hơn Salicylic Acid 30% 
  • Ưu điểm: Giải quyết đa dạng các vấn đề da (mụn, nám, dày sừng). Tẩy da chết toàn diện, đa dạng cơ chế.
  • Nhược điểm: -Resorcinol dễ làm da nhạy cảm, kích ứng, viêm da tiếp xúc. Công thức dễ bị phân huỷ với ánh sáng, cần bảo quản trong bao bì tối màu, tránh ánh sáng trực tiếp. Khó mua do nguồn cung cấp Resorcinol bị hạn chế ở nhiều quốc gia. Có thể tẩy da chết quá mức ở một số loại da.

4.5 Trichloroacetic Acid (TCA) <15%:

So sánh các nhân tố Peeling trong Chemical Peel

  •  Cơ chế: Gây đông tụ protein, mức độ thẩm thấu và đông tụ protein phụ thuộc vào nồng độ và thể tích acid đã dùng.
  •  Đặc điểm: peel TCA không cần trung hoà, mức độ sâu của peel phụ thuộc vào thể tích và nồng độ acid áp dụng lên da. Điểm cuối lâm sàng là hiện tượng Đông tụ protein tạo ra màu trắng tên da, dựa vào màu sắc của da có thể đánh giá độ sâu của TCA.
  •  Ưu điểm: Có thể đánh giá độ sâu của peel qua màu sắc thay đổi trên da. Áp dụng đồng nhất trên da. TCA có thể là một giải pháp thay thế hiệu quả khi các dung dịch peel khác trở nên kém hiệu quả. 
  •  Nhược điểm: Phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật peel và công thức peel. Không thích hợp cho da tối màu. Có thể gây tăng hoặc mất sắc tố. Đây là peel khó, không nên tự ý sử dụng khi chưa có sự hướng dẫn từ bác sĩ.

5. Kết luận của DA101 về các nhân tố Peeling trong Chemical peel

Có nhiều nhân tố peeling phù hợp giúp xử lý các vấn đề khác nhau trên da. Chemical peel chỉ hiệu quả khi lựa chọn đúng hoạt chất, nồng độ, căn chỉnh chính xác thời gian. Một điều quan trọng không kém là tuân thủ quy trình chăm sóc da sau peel, sử dụng sản phẩm phục hồi và chống nắng đầy đủ.

Chân thành cảm ơn bạn đồng tác giả Trần Duy Tân – cộng tác viên của DA101

Tài liệu tham khảo:

  1. Bs.Phạm Tăng Tùng, Giáo trình Peel hoá chất và các thủ thuật trong thẩm mỹ da.
  2. Antonella Tosti, Pearl E. Grimes, Maria Pia De Padova, Color Atlas of Chemical Peels, 2 edition, Springer. 
  3. Dr. Mahwish Fawad, GUIDELINES ON THE USE OF CHEMICAL PEELS.
  4. Philippe Deprez MD, Textbook of Chemical Peels: Superficial, Medium and Deep Peels in Cosmetic Practice. 

———–

Website: www.da101.org

Instagram: DA101.OFFICIAL

Facebook: DA101

Phân tích thành phần mỹ phẩm: INGREDIENT ANALYZER

Tạo Routine: Hướng dẫn tạo Routine Chăm sóc da trên Website DA101