Viêm nang lông là một vấn đề về da thường gặp và gây ra những khó chịu, bất tiện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và hơn thế nữa còn để lại sẹo. Nhận biết và điều trị viêm nang lông thường gặp khó khăn vì chúng dễ bị nhầm lẫn với mụn. Vậy viêm nang lông là gì và đối phó với vấn đề này ra sao, hãy cùng DA101 tìm hiểu nha.

1. Viêm nang lông là gì? Dấu hiệu nhận biết

Tình trạng viêm nang lông và cách khắc phục

Viêm nang lông là tình trạng các nang lông ở các vùng da trên cơ thể bị viêm đỏ, có mủ do nhiễm nấm, nhiễm khuẩn. Các vùng da thường bị viêm nang lông gồm lưng, ngực, cổ, cánh tay, mặt và ở một số bạn còn bị ở vùng kín nữa.

Viêm nang lông thường dễ bị nhầm lẫn với mụn, tuy nhiên sự nhầm lẫn này là dễ hiểu và chúng mình cũng có thể xếp mụn viêm vào nhóm viêm nang lông vì vị trí của mụn cũng nằm ở nang lông và khi các nốt mụn bị kích viêm thì sẽ bị viêm ở khu vực nang lông.

Biểu hiện rõ ràng nhất của viêm nang lông là giống các nốt mụn nhỏ bị viêm, xung quanh có quầng đỏ, có thể ngứa. Tình trạng viêm nặng hơn có thể mưng mủ, và trong trường hợp này thì rất dễ để lại sẹo.

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm nang lông

Tình trạng viêm nang lông và cách khắc phục

Nguyên nhân gây ra tình trạng viêm chân lông khá mơ hồ nhưng có thể quy về sự nhiễm trùng trùng tại vị trí nang lông do vi khuẩn hoặc do nấm. Các nguyên nhân thường gặp có thể dẫn đến viêm chân lông bao gồm:

  • Tắc nghẽn lỗ chân lông do bã nhờn hòa quện với da chết. Đặc biệt ở những người da dầu nhiều, kết hợp với việc tiết mồ hôi quá mức. Lúc này tình trạng bít tắc nếu có sự tham gia của C.acnes sẽ gây viêm ở nang lông.
  • Do tình trạng lông mọc ngược. Tình trạng này có thể gặp ở những người cạo lông hoặc wax lông nhưng thực hiện không đúng cách dẫn đến lông mọc ngược gây viêm nang lông.
  • Do suy giảm hệ miễn dịch. Trường hợp này thường gặp ở những người lạm dụng các sản phẩm bôi da có chứa Corticoid khiến da yếu đi hoặc ở các bệnh nhân bị tiểu đường hoặc một số bệnh mãn tính khác khiến hệ miễn dịch cơ thể suy giảm.
  • Do ma sát: Thường do đeo cặp sách hoặc mặc đồ quá bó sát khiến vùng da lưng dễ bị viêm nang lông.
  • Do nhiễm khuẩn: Do bội nhiễm, do vi trùng gram âm, do nhiễm nấm, nấm men hoặc Demodex.
  • Lạm dụng kháng sinh lâu ngày cũng có thể gây viêm nang lông do bùng phát vi khuẩn kị khí.
  • Ngoài ra một số nguyên nhân khác có thể gây viêm nang lông như chăm sóc da không đúng cách, tắm nước quá nóng, sử dụng sản phẩm tẩy rửa quá mạnh gây tổn hại màng bảo vệ da…

3. Những đối tượng dễ bị viêm nang lông

  • Thiếu niên đang trong độ tuổi dậy thì có tuyến dầu phát triển mạnh, tiết bã nhờn quá mức dẫn đến bít tắc lỗ chân lông, mụn trứng cá đỏ bị bội nhiễm.
  • Những người tập thể dục cường độ cao ra nhiều mồ hôi nhưng không có thói quen vệ sinh da ngay sau tập.
  • Những người sống ở vùng khí hậu nóng và ẩm ướt.
  • Người bệnh tiểu đường, bệnh HIV/AIDS.
  • Bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh lâu dài.
  • Lưu ý là bệnh viêm nang lông cũng có thể gặp ở trẻ em chứ không chỉ gặp ở người lớn. Trong trường hợp này việc điều trị cần có chỉ định của bác sĩ.

4. Cách điều trị viêm nang lông

4.1. Điều trị tại nhà

Tình trạng viêm nang lông và cách khắc phục

  • Giữ vệ sinh cơ thể: Luôn giữ cho cơ thể sạch sẽ, lau khô người và thay quần áo sạch ngay sau khi tập thể dục, mặc quần áo thông thoáng, dễ thấm mồ hôi.
  • Không sử dụng chung khăn tắm, hạn chế tắm bằng bồn mà thay vào đó nên dùng vòi hoa sen.
  • Tẩy da chết đủ và đúng cách. Nếu bị viêm nang lông vùng lưng, cánh tay có thể sử dụng các loại xà phòng diệt khuẩn kết hợp các biện pháp tẩy da chết vật lý như bông tắm hoặc bao tay tắm.
  • Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa các thành phần kháng viêm, diệt khuẩn như Salicylic Acid, Benzoyl Peroxide, Sulfur, Niacinamide… và các thành phần giúp dịu da.

4.2. Điều trị viêm nang lông theo can thiệp của bác sĩ

Tình trạng viêm nang lông và cách khắc phục

  • Sử dụng kháng sinh đường bôi thoa: thường là Clindamycin 1% dạng lotion hoặc gel.
  • Sử dụng các loại kem chứa Hydrocortisone theo chỉ định.
  • Uống thuốc kháng sinh, kháng nấm theo đơn bác sĩ chỉ định.
  • Nếu tình trạng viêm nang lông do dầu và bã nhờn bác sĩ có thể chỉ định uống Isotretinoin.
  • Triệt lông vĩnh viễn có thể giúp giảm tình trạng viêm nang lông.

5. Những chú ý khi điều trị

Tình trạng viêm nang lông và cách khắc phục

  • Viêm nang lông tình trạng nặng có thể để lại di chứng như sẹo, vì vậy cần điều trị khi bệnh mới chớm, không nên để tình trạng viêm nang lông trở nặng, bị bội nhiễm mới điều trị.
  • Không tự ý sử dụng sản phẩm đường bôi chứa kháng sinh hoặc Corticoid vì có thể khiến tình trạng nặng thêm và kháng sinh có thể không đáp ứng do có thể nhiễm các loại vi khuẩn khác nhau.
  • Không tự ý cậy, nặn các nốt viêm.
  • Hạn chế, tránh gãi khi vùng da bị viêm nang lông bị ngứa. Có thể hỏi ý kiến bác sĩ để sử dụng kem bôi giúp giảm ngứa.

6. Kết luận của DA101

Viêm nang lông là tình trạng bệnh lý da thường gặp nhưng dễ bị nhầm lẫn với mụn, vì thế dẫn đến điều trị sai hướng hoặc điều trị muộn. Để phòng ngừa cũng như điều trị viêm nang lông chúng ta cần giữ vệ sinh, có lối sống lành mạnh và cân bằng, chăm sóc da đúng cách. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm.

Hi vọng bài viết cũng cấp những thông tin bổ ích tới bạn đọc.

Reference:

https://www.medicalnewstoday.com/articles/318551#seeking-help

———–

Website: www.da101.org

Instagram: DA101.OFFICIAL

Facebook: DA101

Phân tích thành phần mỹ phẩm: INGREDIENT ANALYZER

Tạo Routine: Hướng dẫn tạo Routine Chăm sóc da trên Website DA101