Sẹo mụn luôn là một vấn đề “nan giải” đối với rất nhiều người sau một thời gian “vật lộn” với mụn. Thông thường, sẹo sẽ được hình thành bởi các vết thương từ nhỏ đến lớn, nông đến sâu tùy vào mức độ tổn thương trên da. 

Sẹo mụn thường sẽ xuất hiện sau quá trình xử lý mụn viêm hoàn tất và có thể gây nên khả năng để lại sẹo vĩnh viễn. 

Vì thế, DA101 sẽ giải thích những nguyên nhân cùng cách phân biệt các thể loại sẹo giúp các bạn hiểu rõ hơn về chúng. 

1. Sẹo mụn là gì? 

Sẹo là một quá trình tự nhiên chữa lành của cơ thể. Nó là kết quả của quá trình sửa chữa vết thương và các tế bào trên da. Hầu hết các vết thương, kể cả rất nhỏ đều cũng có thể để lại vết sẹo. Cho nên, chúng ta phải đặc biệt biết cách chăm sóc thật cẩn thận, ngăn ngừa hình thành vết sẹo gây mất thẩm mỹ. 

Sẹo mụn được hình thành sau quá trình xử lý mụn, đặc biệt là mụn viêm như mụn bọc, mụn nang. Các loại mụn sưng nhức, có viêm mủ đều có thể để lại sẹo tùy vào mức độ và khả năng làm lành vết thương của cơ thể mình. 

Thông thường, vết sẹo thâm đỏ (sẹo mới) sẽ dễ can thiệp và làm đầy tốt hơn những vết sẹo có màu trắng (sẹo lâu năm). Do đó, việc phát hiện sớm cũng như chăm sóc là cực kỳ quan trọng ở thời điểm này. 

2. Nguyên nhân gây nên sẹo mụn

Như tụi mình đã nói phía trên, tình trạng viêm do mụn là nguyên nhân lớn nhất gây nên sẹo. Còn vấn đề sẹo ít hay nhiều còn tùy thuộc vào cách xử lý cũng như kỹ thuật khi lấy nốt mụn viêm này. 

Khi có tổn thương xảy ra, các vi khuẩn thâm nhập và cơ thể phản ứng chống lại sự xâm nhập này bằng cách huy động các bạch cầu tập trung tới khu vực tổn thương để chống lại các vi khuẩn. Cuộc chiến “địch chết, quân ta cũng chết ” này biểu hiện qua việc khi chúng ta lấy nhân mụn, lượng mủ (chất nhầy) chính là “tàn dư” của xác vi khuẩn và bạch cầu. Lượng mủ càng nhiều chứng tỏ tình trạng viêm càng nặng và tổn thương càng sâu dẫn đến nguy cơ sẹo càng lớn.

Từ đó, phần lõm ở đáy mụn ngày càng bị mở rộng và đây chính sẹo mụn mà chúng ta thường thấy. Tất cả những vấn đề này kích thích quá trình viêm dưới đáy, vỡ nang và hình thành áp xe, kích thích quá trình chữa lành vết thương. Bên cạnh đó, áp xe chính là một ổ viêm nhiễm, là nơi cư trú của các loại vi khuẩn, xác bạch cầu,… Và những tổn thương này sẽ làm nên quá trình sửa chữa vết thương tự nhiên của cơ thể. 

Mặc dù sẹo mụn luôn là vấn đề “nan giải” nhưng hiện tại có nhiều phương pháp để có thể giúp làm đầy sẹo lõm và tan sẹo lồi. 

3. Phân biệt các loại sẹo mụn thường thấy

Sẹo mụn có thể xảy ra do da bị tổn thương trong quá trình điều trị mụn. Có hai loại sẹo cơ bản tùy thuộc vào việc mất hoặc tăng collagen (sẹo teo và phì đại).

  • Sẹo teo (sẹo lõm): hình thành từ sự suy giảm collagen
  • Sẹo phì đại (sẹo lồi): do phản ứng chữa lành mạnh mẽ, tăng collagen. 

Sẹo mụn là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị sẹo mụn 

3.1 Sẹo teo (sẹo lõm) 

Sẹo teo có tỷ lệ phổ biến nhiều hơn so với sẹo phì đại. Thông thường, các loại sẹo teo chia ra theo nhiều kiểu nhân diện như sẹo chân đinh chiếm 60 – 70% (Icepick), sẹo đáy tròn 20% – 30% (Rolling), sẹo đáy hộp 25% – 30% (Boxcar). 

Có thể phân biệt các loại sẹo này như sau:

  • Sẹo chân đinh (Icepick): những đường biểu mô hẹp (<2 mm), sâu, có đường vân sắc nét kéo dài theo chiều dọc đến lớp hạ bì sâu hoặc mô dưới da.
  • Sẹo đáy tròn (Rolling): thường rộng hơn 4 đến 5 mm. Sự bất thường của lớp hạ bì với lớp dưới da dẫn đến hình dạng đáy tròn hoặc nhấp nhô như chữ “M” lớp da bên dưới. 
  • Sẹo hình hộp (Boxcar): vết sẹo hình tròn hoặc hình bầu dục với các cạnh dọc được hình thành rõ ràng được gọi là sẹo hình hộp. Bề mặt vết sẹo này có xu hướng rộng hơn so với sẹo icepick và không có hình dạng chữ V thon gọn. Thay vào đó, chúng có thể được hình dung dưới dạng hình chữ ”U” với phần đế rộng. Có thể nông hoặc sâu tùy theo tình trạng.

Tuy nhiên, dạng sẹo này chúng ta sẽ rất khó nhận dạng được trừ chuyên gia hoặc bác sĩ da liễu. 

3.2 Sẹo phì đại (Sẹo lồi)

Ở loại sẹo này, một phần do sự tăng sinh collagen quá mức, thậm chí dư thừa nên đã khiến vết sẹo trở nên phì đại (lồi). Yếu tố di truyền, cơ địa là nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến hình thành sẹo phì đại. 

Sẹo phì đại có cơ chế tăng sinh vượt ra khỏi vết thương, khiến bề mặt lồi lên và gây mất thẩm mỹ. Việc lồi ít hay nhiều tùy mức độ và phụ thuộc vào cách chăm sóc. 

4. Mức độ của sẹo mụn 

Thông thường, các sẹo mụn được hình thành sau thời kỳ mụn trứng cá bùng phát, đồng thời không được xử lý mụn đúng cách nên gây nên sẹo mụn.  

Sẹo mụn có những mức độ như sau:

a. Macular

Vết sẹo mụn những vết hồng ban bằng phẳng, có màu đỏ sau quá trình điều trị mụn viêm. Lúc này, việc kết hợp điều trị ngăn ngừa sẹo hình thành cực kỳ quan trọng. 

b. Nhẹ

Với khoảng cách giao tiếp đối mặt bình thường, bạn sẽ không thể thấy được vết sẹo mụn đâu. Khi này, chúng hầu như rất mờ, không hề rõ ràng trừ phi bạn quan sát cận mặt. Có thể che đi bằng lớp makeup nhẹ nhàng nha. 

c. Vừa phải

Lúc này, sẹo mụn nhìn khá rõ ràng, có thể quan sát từ xa tầm 50cm trở lên, khó che phủ đi bằng lớp makeup. Nhưng khi kéo căng da (với sẹo teo), bề mặt sẽ trở nên bằng phẳng, cho thấy sẹo vẫn còn nông. 

d. Nặng 

Sẹo teo lẫn sẹo phì đại nghiêm trọng sẽ dễ dàng thấy ở khoảng cách xa hơn 50cm. Không thể che phủ bằng lớp makeup đồng thời không thể làm phẳng da bằng cách kéo căng da. Sẹo mụn lúc này đã nhiều và sâu hơn, gây mất thẩm mỹ.   

5. Phương pháp điều trị sẹo mụn 

Hiện nay, phòng ngừa hình thành sẹo sau mụn trứng cá là bước đầu cực kỳ quan trọng trong cuộc cuộc điều trị sẹo mụn. Yếu tố di truyền, vấn đề đáp ứng hoạt chất với các vết thương là những nguyên nhân chính dẫn đến hình thành sẹo mụn. 

Do đó, trong quá trình điều trị mụn, vấn đề kiềm viêm là cần thiết và nó có thể hạn chế được việc hình thành sẹo mụn sau này. 

Sau đây là một số phương pháp phổ biến được sử dụng trong điều trị sẹo mụn 

5.1 Phương pháp peel da cùng acid

Phương pháp này sử dụng các hoạt chất acid với nồng độ cao, áp dụng cùng kiến thức và kỹ thuật điều trị, các chuyên gia lẫn bác sĩ sẽ lựa chọn loại acid thích hợp với trình trạng da của bạn. 

Một số loại acid như Salicylic Acid, Glycolic Acid, Pyruvic Acid, phương pháp Jessner (Kết hợp Salicylic Acid, Resorcinol và Lactic Acid trong 95% Ethanol), Trichloroacetic Acid (TCA). 

Phương pháp điều trị sẹo mụn 

5.2 Phương pháp mài da

Đây là Kỹ thuật tái tạo bề mặt da mặt bằng cách mài mòn cơ học làm da bị tổn thương để thúc đẩy tái tạo biểu mô. Mặc dù cách mài mòn vật lý là phổ biến cho cả hai quy trình là mài da và mài da vi điểm, sử dụng các dụng cụ khác nhau và cách thực hiện kỹ thuật khác nhau. 

Theo như so sánh, phương pháp mài da vi điểm sẽ ít đau đớn hơn, có thể tiếp tục thực hiện trong thời gian ngăn. Tuy nhiên, nó sẽ không thích hợp với các loại sẹo sâu. Để biết mình phù hợp phương pháp nào, các bạn sẽ được bác sĩ và chuyên gia tư vấn rõ ràng về vấn đề này. 

Cả hai kỹ thuật đều đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị sẹo và tạo ra những cải thiện đáng kể trên bề mặt da. Để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất, khuyến cáo không dùng Isotretinoin trong vòng 6 – 12 tháng khi chuẩn bị làm kỹ thuật này.  

5.3 Phương pháp tách đáy sẹo

Phương pháp này được làm theo cách thủ công, dùng kim và kỹ thuật tách đáy sẹo để làm tổn thương các tế bào, giúp chúng hoạt động sinh ra cơ chế chữa lành vết thương và hiệu quả trong việc làm đầy sẹo mụn.

Hiện nay, phương pháp này được sử dụng khá nhiều nhưng độ hiệu quả còn tùy thuộc vào từng loại sẹo, kỹ thuật và cách chăm sóc. 

5.4 Phương pháp Laser

Các loại sẹo như sẹo đáy tròn hoặc sẹo hình hộp sẽ được đề xuất thực hiện phương pháp này. Các loại laser khác nhau, bao gồm cả Laser không nguyên bào và Laser bóc tách rất hữu ích trong việc điều trị sẹo mụn. Laser triệt tiêu giúp loại bỏ các mô sẹo bị tổn thương thông qua quá trình làm mài mòn bề mặt.

Laser Carbon Dioxide và Laser Erbium YAG là những loại Laser được sử dụng phổ biến nhất để điều trị sẹo mụn. Những chất này mài mòn bề mặt và cũng giúp thắt chặt các sợi collagen bên dưới. 

Laser Non Ablative không loại bỏ các mô mà kích thích sự hình thành collagen mới và gây căng da, dẫn đến sẹo được nâng lên trên bề mặt. Trong số các loại laser không nguyên bào được sử dụng phổ biến nhất là Laser Nd YAG và Diode.

Sẹo mụn là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị sẹo mụn 

5.5 Phương pháp lăn kim

Đây là phương pháp cơ học, sử dụng con lăn cùng các đầu kim di chuyển trên bề mặt. Nó gây ra tổn thương bề mặt để kích thích các tế bào hoạt động và sản sinh ra collagen giúp làm đầy vết sẹo. 

Quá trình thực hiện theo từng bước. Đầu tiên phải sát trùng da mặt, sau đó bôi thuốc tê, để trong 60 phút. Phương pháp này phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật người lăn, mức độ lăn mạnh hay nhẹ tùy vào vấn đề ở vùng da đó. Các kim đâm sâu khoảng 1,5 đến 2mm vào lớp hạ bì, gây tổn thương bề mặt, chảy máu trong quá trình lăn.

Hầu hết, các ca thực hiện sẽ làm tiếp sau khoảng 4 tuần. Lăn kim được thực hiện một cách an toàn trên mọi loại da và màu da vì nguy cơ tăng sắc tố sau viêm thấp hơn so với các thủ thuật khác, chẳng hạn như mài da, peel acid và tái tạo bề mặt bằng laser. 

Lăn kim da chống chỉ định khi đang điều trị bằng thuốc chống đông máu, nhiễm trùng da, tiêm collagen và các chất làm đầy khác trong 6 tháng trước, hoặc tiền sử cơ địa dễ bị sẹo phì đại và sẹo lồi. 

Sẹo mụn là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị sẹo mụn 

5.6 Phương pháp tiêm 

Ngoài các phương pháp quen thuộc ở trên, thì thủ thuật tiêm giúp làm đầy sẹo lõm. Và phương pháp tiêm Steroid là một trong những phương pháp điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại phổ biến nhất. Corticosteroid có thể làm giảm khối lượng, độ dày, kết cấu của sẹo và chúng có thể làm giảm các triệu chứng như ngứa và khó chịu. Steroid hiện được sử dụng thường xuyên nhất trong điều trị sẹo phì đại và sẹo lồi là Triamcinolone Acetonide (10–40 mg/mL). Các phản ứng phụ thường gặp nhất là giảm sắc tố da, teo da, giãn da và nhiễm trùng. 

Sẹo mụn là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị sẹo mụn 

6. Kết luận

Không có bất kỳ hướng dẫn nào hoặc phương pháp nào là tối ưu trong việc điều trị sẹo mụn cả. Vấn đề còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố di truyền, vấn đề sẹo, cơ chế đáp ứng của da, kỹ thuật được sử dụng đồng thời cùng cách chăm sóc song song khi đang điều trị.

Vì vậy, ngay từ đầu hãy dưỡng da một cách khoa học, hiểu rõ vấn đề da của mình và không bị ảnh hưởng bởi các quảng cáo tiêu cực. Khi bị mụn bạn hãy trị mụn khoa học, đúng cách vì đây là cách hữu hiệu nhất, ít tốn kém nhất nhằm giảm nguy cơ hình thành sẹo. Với các bạn đang gặp vấn đề với sẹo mụn, chúng mình hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức và tìm được phương pháp trị hợp lý nhất. 

Nguồn ảnh: Tổng hợp

—————————-

Website: www.da101.org

Facebook: DA101

Instagram: DA101.Official

Phân tích thành phần mỹ phẩm: INGREDIENT ANALYZER

Tạo Routine: Hướng dẫn tạo Routine Chăm sóc da trên Website DA101